Làm quen với Search Console

Search Console là một công cụ của Google. Công cụ này giúp những người có trang web nắm được hiệu suất của trang web của họ trên Google Tìm kiếm, đồng thời, giúp họ biết mình nên làm gì để cải thiện sự hiện diện của trang web trong kết quả tìm kiếm, từ đó mang lại thêm lưu lượng truy cập phù hợp cho trang web.

Search Console cung cấp thông tin về cách Google thu thập dữ liệu, lập chỉ mục và phân phát các trang web. Những thông tin này có thể giúp chủ sở hữu trang web theo dõi và tối ưu hóa hiệu suất trên Google Tìm kiếm.

Bạn không cần đăng nhập vào công cụ này hằng ngày. Nếu Google phát hiện thấy vấn đề mới trên trang web của bạn, bạn sẽ nhận được một email thông báo của Search Console. Tuy nhiên, để đảm bảo dữ liệu luôn ổn định, bạn nên kiểm tra tài khoản của mình mỗi tháng một lần hoặc khi bạn thay đổi nội dung trên trang web. Tìm hiểu thêm về cách quản lý trang web của bạn bằng Search Console.

Để bắt đầu, hãy làm theo những bước sau:

  1. Xác minh quyền sở hữu trang web. Truy cập vào tất cả thông tin được Search Console cung cấp. Tìm hiểu thêm về cách xác minh quyền sở hữu trang web của bạn.
  2. Đảm bảo Google có thể tìm thấy và đọc được các trang của bạn. Báo cáo Phạm vi lập chỉ mục cung cấp cho bạn thông tin tổng quan về tất cả những trang trong trang web của bạn mà Google đã lập chỉ mục hoặc đã cố gắng lập chỉ mục. Hãy kiểm tra danh sách trong báo cáo và cố gắng sửa các lỗi cũng như cảnh báo cho trang.
  3. Cân nhắc việc gửi sơ đồ trang web cho Search Console. Google có thể khám phá các trang trong trang web của bạn mà không cần bước này. Tuy nhiên, việc gửi một sơ đồ trang web qua Search Console có thể giúp tăng tốc độ Google khám phá ra trang web của bạn. Nếu quyết định gửi sơ đồ trang web qua công cụ này, bạn sẽ có thể theo dõi được thông tin liên quan đến sơ đồ trang web đó. Tìm hiểu thêm về báo cáo Sơ đồ trang web.
  4. Theo dõi hiệu suất của trang web. Báo cáo Hiệu suất trên Tìm kiếm sẽ cho bạn biết lưu lượng truy cập bạn nhận được qua Google Tìm kiếm, bao gồm cả thông tin chi tiết theo cụm từ tìm kiếm, trang và quốc gia. Trong từng dạng thông tin chi tiết nói trên, bạn có thể xem xu hướng theo số lượt hiển thị, số lượt nhấp và các chỉ số khác. Nếu lưu lượng truy cập của bạn giảm, hãy xem xét việc khắc phục nguyên nhân làm giảm lưu lượng truy cập, giúp bạn ưu tiên phân chia công sức cho phù hợp.

Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về Search Console, bạn có thể tập trung vào hai khía cạnh lớn. Ở đây chúng tôi có danh sách những báo cáo phù hợp nhất cho các nhà phát triển web và những báo cáo phù hợp nhất cho các chuyên gia SEO, nhà tiếp thị kỹ thuật số và quản trị viên trang web. Mặc dù những nhóm đối tượng này có nhiều điểm chung, bạn vẫn nên cố gắng cung cấp những báo cáo phù hợp nhất cho từng nhóm.

Các báo cáo hữu ích dành cho chuyên viên SEO, nhà tiếp thị kỹ thuật số và quản trị viên trang web

Danh sách sau đây bao gồm những báo cáo hữu ích nhất trên Search Console để giúp bạn quản lý nhiều khía cạnh khác nhau trong quá trình Google Tìm kiếm lập chỉ mục, thu thập dữ liệu và phân phát trang web của bạn.

  • Tìm hiểu xem trang web của bạn có bị Google Tìm kiếm áp dụng hình phạt thủ công nào không. Khi một trang web bị áp dụng một hình phạt thủ công, có thể một số hoặc toàn bộ trang thuộc trang web đó sẽ không xuất hiện trong kết quả tìm kiếm trên Google. Báo cáo Hình phạt thủ công cho thấy tất cả vấn đề, phần nào trong trang web đang gặp vấn đề và nơi để tìm hiểu thêm về vấn đề đó.
  • Tạm thời ẩn trang khỏi Google Tìm kiếm. Công cụ xoá là một cách để nhanh chóng xoá nội dung trên trang web của bạn khỏi các kết quả tìm kiếm trên Google. Nếu thành công, mỗi yêu cầu xoá sẽ chỉ có tác dụng trong khoảng 6 tháng, nhằm cho bạn thời gian tìm giải pháp để cho phép nội dung đó xuất hiện lại hoặc xoá nội dung đó vĩnh viễn.
  • Thông báo cho Google về việc di chuyển trang web. Nếu bạn di chuyển trang web từ một miền/miền con sang một miền/miền con khác, công cụ Thay đổi địa chỉ sẽ cho Google biết về thay đổi của bạn và hỗ trợ quá trình di chuyển kết quả tìm kiếm trên Google từ trang web cũ sang trang web mới.
  • Xem xét các vấn đề trong quá trình triển khai dữ liệu có cấu trúc. Báo cáo trạng thái kết quả nhiều định dạng cho biết những dữ liệu có cấu trúc mà Google có thể hoặc không thể đọc được trên trang web của bạn. Bạn sẽ thấy thông tin chi tiết về những lỗi đang ngăn trang của bạn xuất hiện dưới dạng kết quả nhiều định dạng, những cảnh báo có thể giới hạn sự hiện diện của bạn và thông tin về cách gỡ lỗi cũng như khắc phục những vấn đề đó.

Các báo cáo hữu ích dành cho nhà phát triển web

Những báo cáo sau đây có thể giúp nhà phát triển xây dựng các trang web hoạt động tốt, dễ tìm và được tối ưu hoá cho Google Tìm kiếm.

  • Nắm được các vấn đề trong phạm vi toàn trang web liên quan đến quá trình lập chỉ mục cho Tìm kiếm. Báo cáo Phạm vi lập chỉ mục cho thấy những trang gặp lỗi, gặp cảnh báo hoặc bị loại trừ khỏi Tìm kiếm. Ngoài ra, báo cáo này còn cho biết số lượt hiển thị mà các trang trên trang web đó tích luỹ được qua Google Tìm kiếm. Thông tin này giúp bạn nắm được tác động mà các vấn đề có thể gây ra cho lưu lượng tự nhiên.
  • Giải quyết các vấn đề trong phạm vi trang liên quan đến quá trình lập chỉ mục của Tìm kiếm. Công cụ kiểm tra URL cho biết trạng thái lập chỉ mục hiện tại của các trang trên trang web. Đồng thời, công cụ này đưa ra những tuỳ chọn để kiểm tra một URL đang hoạt động, yêu cầu Google thu thập dữ liệu của một trang cụ thể, xem thông tin chi tiết về tài nguyên đã tải của trang cũng như xem những thông tin khác.
  • Tìm và khắc phục các mối đe dọa ảnh hưởng đến trang web của bạn. Báo cáo Vấn đề bảo mật cho thấy các cảnh báo khi Google phát hiện thấy một trang web có thể đã bị tấn công hoặc bị lợi dụng theo những cách có thể gây hại cho khách truy cập hoặc thiết bị của họ.
  • Đảm bảo trang web của bạn cung cấp trải nghiệm mượt mà cho người dùng trên trang. Báo cáo Các chỉ số quan trọng về trang web cho thấy hiệu suất của các trang dựa trên dữ liệu sử dụng thực tế, đôi khi gọi là dữ liệu hiện trường.

Xem danh sách đầy đủ các loại báo cáo và công cụ trong Search Console