Phân trang, tải trang từng phần và tác động của những tính năng này trên Google Tìm kiếm

Bạn có thể cải thiện trải nghiệm của người dùng trên trang web của mình bằng cách cho họ thấy một phần các kết quả để cải thiện hiệu suất của trang (trải nghiệm trên trang là một tín hiệu xếp hạng trên Google Tìm kiếm), nhưng có thể bạn phải làm vài việc để đảm bảo trình thu thập dữ liệu của Google tìm thấy tất cả nội dung trên trang web của bạn.

Ví dụ: để phản hồi khi người dùng sử dụng hộp tìm kiếm trên trang web thương mại điện tử của bạn, bạn có thể trình bày một phần các sản phẩm hiện có – tập hợp đầy đủ các sản phẩm phù hợp có thể sẽ quá lớn để xuất hiện trên cùng một trang, hoặc sẽ mất quá lâu để truy xuất.

Ngoài kết quả tìm kiếm, bạn có thể tải một phần kết quả trên trang web thương mại điện tử của mình cho:

  • Trang danh mục cho thấy tất cả sản phẩm trong một danh mục
  • Bài đăng trên blog hoặc bản tin mà một trang web đã xuất bản theo thời gian
  • Bài đánh giá của người dùng trên một trang sản phẩm
  • Bình luận trên một bài đăng trên blog

Việc trang web tải nội dung tăng tiến (để phản hồi thao tác của người dùng) có thể mang lại lợi ích cho người dùng nhờ:

  • Cải thiện trải nghiệm của người dùng do lượt tải trang ban đầu nhanh hơn so với việc tải tất cả kết quả cùng lúc.
  • Giảm lưu lượng truy cập mạng, điều này đặc biệt quan trọng đối với thiết bị di động.
  • Cải thiện hiệu suất của phần phụ trợ bằng cách giảm lượng nội dung truy xuất từ cơ sở dữ liệu hoặc những nội dung tương tự.
  • Cải thiện độ tin cậy bằng cách tránh sử dụng danh sách quá dài (có thể đạt đến giới hạn tài nguyên dẫn đến lỗi trong trình duyệt và hệ thống phụ trợ).

Chọn mẫu trải nghiệm người dùng tốt nhất cho trang web

Để cho thấy một phần trong một danh sách lớn hơn, bạn có thể lựa chọn trong số những mẫu trải nghiệm người dùng sau:

  • Phân trang: Khi người dùng sử dụng được các đường liên kết như "tiếp theo", "trước" và số trang để di chuyển giữa các trang, mỗi lần chỉ hiện một trang kết quả.
  • Tải thêm: Các nút mà người dùng có thể nhấp vào để mở rộng một tập hợp kết quả xuất hiện ban đầu.
  • Cuộn vô hạn: Khi người dùng có thể cuộn đến cuối trang để khiến nội dung được tải thêm. (Tìm hiểu thêm về đề xuất tăng độ thân thiện với công cụ tìm kiếm khi dùng kỹ thuật cuộn vô hạn.)
Mẫu phân trang, tải thêm và cuộn vô hạn điển hình cho thiết bị di động

Hãy xem xét bảng sau khi chọn trải nghiệm người dùng phù hợp nhất cho trang web của bạn.

Mẫu trải nghiệm người dùng
Phân trang

Ưu điểm:

  • Cung cấp cho người dùng thông tin chi tiết về vị trí hiện tại và số lượng kết quả

Nhược điểm:

  • Người dùng cần các cơ chế điều khiển phức tạp hơn để khám phá kết quả
  • Nội dung được chia thành nhiều trang thay vì một danh sách liên tục
  • Để xem thêm, người dùng cần tải trang mới
Tải thêm

Ưu điểm:

  • Sử dụng một trang duy nhất cho toàn bộ nội dung
  • Có thể thông báo cho người dùng về tổng số lượng kết quả (trên hoặc gần nút)

Nhược điểm:

  • Không xử lý được số lượng kết quả rất lớn vì tất cả kết quả được đưa vào một trang duy nhất
Cuộn vô hạn

Ưu điểm:

  • Sử dụng một trang duy nhất cho toàn bộ nội dung
  • Trực quan – người dùng chỉ cần cuộn liên tục để xem thêm nội dung

Nhược điểm:

  • Có thể dẫn đến tình trạng "mệt mỏi khi cuộn" do số lượng kết quả không rõ ràng
  • Không xử lý được số lượng kết quả rất lớn

Cách Google lập chỉ mục theo từng chiến lược

Sau khi bạn chọn chiến lược về trải nghiệm người dùng và SEO phù hợp nhất cho trang web của mình, hãy đảm bảo rằng trình thu thập dữ liệu của Google có thể tìm thấy mọi nội dung của bạn.

Ví dụ: bạn có thể triển khai tính năng phân trang bằng đường liên kết đến các trang mới trên trang web thương mại điện tử của mình hoặc sử dụng JavaScript để cập nhật trang hiện tại. Thường thì các tính năng tải thêm và cuộn vô hạn được triển khai bằng JavaScript. Khi thu thập dữ liệu trên một trang web nhằm tìm các trang để lập chỉ mục, Google chỉ đi theo các đường liên kết trang được đánh dấu bằng HTML trong các thẻ <a href>. Trình thu thập dữ liệu của Google không đi theo các nút (trừ trường hợp được đánh dấu bằng <a href>) và không kích hoạt JavaScript để cập nhật nội dung hiện tại của trang.

Nếu trang web của bạn dùng JavaScript, hãy làm theo những phương pháp hay nhất về SEO cho JavaScript. Bên cạnh các phương pháp hay nhất (chẳng hạn như đảm bảo rằng Google có thể thu thập dữ liệu các đường liên kết trên trang web của bạn), hãy cân nhắc việc dùng một tệp sơ đồ trang web hoặc nguồn cấp dữ liệu trên Google Merchant Center để giúp Google tìm thấy tất cả sản phẩm trên trang web của bạn.

Các phương pháp hay nhất khi triển khai tính năng phân trang

Để đảm bảo Google có thể thu thập dữ liệu và lập chỉ mục nội dung mà bạn phân trang, hãy làm theo những phương pháp hay nhất sau:

Liên kết các trang một cách tuần tự

Để đảm bảo các công cụ tìm kiếm hiểu được mối quan hệ giữa các trang có nội dung được phân trang, hãy đưa các đường liên kết từ mỗi trang vào trang kế tiếp bằng cách dùng thẻ <a href>. Cách này có thể giúp Googlebot (trình thu thập dữ liệu web của Google) tìm thấy các trang tiếp theo.

Ví dụ về kết quả tìm kiếm được phân trang

Ngoài ra, hãy cân nhắc việc liên kết tất cả các trang riêng lẻ trong một bộ sưu tập về trang đầu tiên của bộ sưu tập đó để nhấn mạnh cho Google nơi nên bắt đầu thu thập. Cách này có thể đưa ra gợi ý cho Google rằng trang đầu tiên của bộ sưu tập có thể là trang đích phù hợp hơn các trang khác trong bộ sưu tập.

Sử dụng URL chính xác

  • Cho mỗi trang một URL riêng. Ví dụ: thêm một tham số truy vấn ?page=n vì Google coi các URL trong một trình tự phân trang là các trang riêng biệt.
  • Đừng dùng trang đầu tiên của trình tự phân trang làm trang chính tắc. Thay vào đó, hãy cho mỗi trang một URL chính tắc của chính trang đó.
  • Đừng dùng giá trị nhận dạng phân đoạn URL (phần văn bản sau một dấu # trong URL) làm số trang trong một bộ sưu tập. Google bỏ qua các mã nhận dạng phân đoạn. Nếu thấy URL của trang tiếp theo chỉ khác biệt ở phần văn bản sau #, thì Googlebot có thể sẽ không đi theo đường liên kết đó vì nghĩ rằng trang đó đã được truy xuất.
  • Cân nhắc sử dụng tính năng tải trước, kết nối trước hoặc tìm nạp trước để tối ưu hoá hiệu suất cho người dùng khi họ chuyển sang trang tiếp theo.

Tránh lập chỉ mục các URL có bộ lọc hoặc thứ tự sắp xếp thay thế

Bạn có thể hỗ trợ bộ lọc hoặc nhiều thứ tự sắp xếp cho danh sách kết quả dài trên trang web của mình. Ví dụ: bạn có thể hỗ trợ ?order=price trên URL để trả về cùng một danh sách kết quả nhưng được sắp xếp theo giá.

Để tránh việc lập chỉ mục các biến thể của cùng một danh sách kết quả, hãy chặn việc Google lập chỉ mục các URL không mong muốn bằng thẻ meta robots noindex hoặc ngăn việc thu thập dữ liệu trên một mẫu URL bằng tệp robots.txt.