Chính sách về nội dung rác trên Google Tìm kiếm
Chính sách của chúng tôi về nội dung rác giúp bảo vệ người dùng và cải thiện chất lượng của kết quả tìm kiếm. Để đủ điều kiện xuất hiện trong kết quả của Google Tìm kiếm (trang trên trang web, hình ảnh, video, nội dung tin tức hoặc tài liệu khác mà Google tìm thấy trên web), nội dung không được vi phạm các chính sách chung của Google Tìm kiếm cũng như chính sách về nội dung rác nêu trên trang này. Những chính sách này áp dụng cho mọi kết quả tìm kiếm trên web, bao gồm cả kết quả tìm kiếm trên chính các sản phẩm của Google.
Chúng tôi phát hiện hành vi và nội dung vi phạm chính sách thông qua cả hệ thống tự động lẫn nhân viên đánh giá, và nếu cần, việc này có thể dẫn đến hình phạt thủ công. Những trang web vi phạm chính sách của chúng tôi có thể thứ hạng thấp trong trang kết quả hoặc hoàn toàn không xuất hiện trong trang kết quả.
Nếu bạn cho rằng một trang web đang vi phạm chính sách của Google về nội dung rác, hãy cho chúng tôi biết bằng cách gửi một báo cáo của người dùng về chất lượng tìm kiếm. Chúng tôi tập trung phát triển những giải pháp tự động và có thể mở rộng để giải quyết các vấn đề. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dùng những báo cáo như vậy để cải thiện hơn nữa hệ thống phát hiện nội dung rác.
Chính sách của chúng tôi đề cập đến các dạng nội dung rác phổ biến, nhưng Google có thể áp dụng biện pháp xử lý đối với mọi loại nội dung rác mà chúng tôi phát hiện được.
Kỹ thuật che giấu
Kỹ thuật che giấu là hành vi cho người dùng xem nội dung khác với nội dung mà công cụ tìm kiếm thấy, hòng thao túng thứ hạng của kết quả tìm kiếm và đánh lừa người dùng. Sau đây là một số ví dụ về kỹ thuật che giấu:
- Cho công cụ tìm kiếm thấy một trang về điểm đến du lịch trong khi cho người dùng thấy một trang về thuốc giảm giá
- Chèn văn bản hoặc từ khoá vào một trang chỉ khi tác nhân người dùng yêu cầu trang là công cụ tìm kiếm mà không phải khách truy cập.
Nếu trang web của bạn dùng những công nghệ khiến công cụ tìm kiếm khó tiếp cận (chẳng hạn như JavaScript hoặc hình ảnh), hãy xem các đề xuất của chúng tôi về cách giúp công cụ tìm kiếm và người dùng dễ dàng truy cập được nội dung của bạn mà không cần kỹ thuật che giấu.
Trong nhiều trường hợp trang web bị xâm nhập, tin tặc thường dùng kỹ thuật che giấu để chủ sở hữu trang web khó phát hiện ra vụ xâm nhập đó. Hãy đọc thêm về cách khắc phục các trang web bị xâm nhập cũng như cách phòng tránh bị xâm nhập.
Khi bạn dùng tường phí hoặc một cơ chế giới hạn lượng nội dung xem được, Google sẽ không coi đó là kỹ thuật che giấu nếu chúng tôi có thể xem toàn bộ nội dung phía sau tường phí, hệt như một người bất kỳ có quyền truy cập vào tài liệu bị giới hạn đó, và với điều kiện bạn tuân theo hướng dẫn chung về Tỷ lệ nội dung mẫu linh hoạt.
Trang ngõ
Trang ngõ là những trang hoặc trang web tạo ra để được xếp hạng cho một số cụm từ tìm kiếm cụ thể và tương tự nhau. Loại trang này đưa người dùng đến các trang trung gian không hữu ích bằng trang đích cuối cùng. Sau đây là một số ví dụ về trang ngõ:
- Có nhiều phiên bản trang web với khác biệt rất nhỏ trong URL và trang chủ hòng tối đa hoá phạm vi tiếp cận đối với bất cứ cụm từ tìm kiếm cụ thể nào
- Có nhiều tên miền hoặc trang nhắm đến các khu vực hay thành phố cụ thể nhưng lại đưa người dùng đến cùng một trang
- Các trang được tạo ra để dẫn khách truy cập đến phần thực sự liên quan hay sử dụng được trên (các) trang web của bạn
- Các trang giống nhau đáng kể và gần giống trang kết quả tìm kiếm chứ không phải một hệ thống phân tầng được xác định rõ ràng và duyệt xem được
Lạm dụng miền đã hết hạn
Lạm dụng miền đã hết hạn là hành vi mua và sử dụng lại tên miền đã hết hạn chủ yếu nhằm thao túng thứ hạng trong kết quả tìm kiếm bằng cách lưu trữ nội dung có ít hoặc không có giá trị đối với người dùng. Ví dụ minh hoạ bao gồm, nhưng không giới hạn ở:
- Nội dung của đơn vị liên kết trên một trang web từng được một cơ quan chính phủ sử dụng
- Sản phẩm y tế thương mại bày bán trên trang web từng được một tổ chức từ thiện y tế phi lợi nhuận sử dụng
- Nội dung liên quan đến sòng bạc nằm trên trang web từng là của một trường tiểu học
Nội dung của kẻ xâm nhập
Nội dung của kẻ xâm nhập là mọi nội dung được đưa vào một trang web khi chưa được cho phép, do các lỗ hổng bảo mật trên trang web đó. Nội dung của kẻ xâm nhập mang đến kết quả tìm kiếm kém chất lượng cho người dùng và có nguy cơ cài đặt nội dung độc hại lên máy của họ. Sau đây là một số ví dụ về hành vi xâm nhập:
- Chèn mã: Khi chiếm được quyền truy cập vào trang web của bạn, có thể tin tặc sẽ cố gắng chèn mã độc hại vào các trang hiện có trên trang web của bạn. Thường thì mã này ở dạng JavaScript độc hại được chèn trực tiếp vào trang web hoặc iframe.
- Chèn trang: Đôi khi, do có lỗ hổng bảo mật, tin tặc có thể thêm các trang mới có chứa nội dung vi phạm hoặc độc hại vào trang web của bạn. Thường thì những trang này nhằm mục đích thao túng công cụ tìm kiếm hoặc tìm cách lừa đảo. Dù các trang hiện có của bạn có thể không có dấu hiệu bị tin tặc xâm nhập, song những trang mới tạo này có thể gây hại cho khách truy cập trang web hoặc cho hiệu suất của trang web trong kết quả tìm kiếm.
- Chèn nội dung: Có thể tin tặc cũng cố gắng thao túng các trang hiện có trên trang web của bạn theo những cách tinh vi khó phát hiện được. Mục tiêu của chúng là thêm nội dung vào trang web của bạn mà công cụ tìm kiếm có thể nhìn thấy, nhưng bạn hay người dùng của bạn lại khó nhận ra. Chẳng hạn như thêm đường liên kết ẩn hoặc văn bản ẩn vào một trang bằng CSS hoặc HTML, hay những thay đổi phức tạp hơn như kỹ thuật che giấu.
- Chuyển hướng: Có thể tin tặc chèn mã độc hại vào trang web của bạn để chuyển hướng một số người dùng đến các trang vi phạm hoặc độc hại. Loại lệnh chuyển hướng này đôi khi phụ thuộc vào đường liên kết giới thiệu, tác nhân người dùng hoặc thiết bị. Ví dụ: thao tác nhấp vào một URL trong kết quả của Google Tìm kiếm có thể chuyển hướng bạn đến một trang đáng ngờ, nhưng khi bạn trực tiếp truy cập URL đó trên một trình duyệt thì lại không có lệnh chuyển hướng nào.
Đây là các mẹo của chúng tôi về cách khắc phục các trang web bị xâm nhập cũng như cách phòng tránh bị xâm nhập.
Văn bản và đường liên kết ẩn
Văn bản hoặc đường liên kết ẩn là hành động chèn nội dung trên một trang chỉ để thao túng công cụ tìm kiếm, trong khi đó khách truy cập thực sẽ không dễ dàng xem được nội dung đó. Sau đây là một số ví dụ về văn bản hoặc đường liên kết ẩn vi phạm chính sách của chúng tôi:
- Dùng văn bản trắng trên nền trắng
- Ẩn văn bản phía sau hình ảnh
- Sử dụng CSS để đặt văn bản ngoài màn hình
- Đặt kích thước phông chữ hoặc độ mờ bằng 0
- Ẩn đường liên kết bằng cách chỉ liên kết một ký tự nhỏ (ví dụ: dấu gạch nối ở giữa đoạn)
Hiện nay, có nhiều thành phần thiết kế web tận dụng khả năng hiện và ẩn nội dung một cách linh hoạt để cải thiện trải nghiệm người dùng; những thành phần như vậy không vi phạm chính sách của chúng tôi:
- Danh sách xếp dọc hoặc nội dung dạng thẻ có thể ẩn và hiện nội dung bổ sung
- Bản trình chiếu hoặc thanh trượt lần lượt cung cấp xoay vòng một số hình ảnh hoặc đoạn văn bản
- Văn bản chú giải công cụ hoặc văn bản tương tự cho thấy nội dung bổ sung khi người dùng tương tác với một thành phần
- Văn bản chỉ trình đọc màn hình truy cập được và nhằm cải thiện trải nghiệm cho những người sử dụng trình đọc màn hình
Nhồi nhét từ khoá
Nhồi nhét từ khoá là hành vi điền vô số từ khoá hoặc con số vào một trang web nhằm thao túng thứ hạng trong kết quả trên Google Tìm kiếm. Thường thì những từ khoá như vậy xuất hiện trong một danh sách hoặc một nhóm theo cách không tự nhiên hoặc không phù hợp với ngữ cảnh. Sau đây là một số ví dụ về việc nhồi nhét từ khoá:
- Danh sách số điện thoại không đem lại giá trị đáng kể nào
- Đoạn văn bản liệt kê những thành phố và khu vực nơi một trang web đang muốn tăng thứ hạng
- Hành vi lặp lại các từ hoặc cụm từ tương tự nhiều lần đến mức bất thường. Ví dụ:
Tín dụng không giới hạn trên cửa hàng ứng dụng. Có rất nhiều trang web tuyên bố rằng họ cung cấp tín dụng trên cửa hàng ứng dụng với giá 0 USD, nhưng tất cả đều là giả mạo và luôn lừa gạt được những người dùng muốn có tín dụng không giới hạn trên cửa hàng ứng dụng. Ngay tại đây trên trang web này, bạn có thể nhận được tín dụng không giới hạn để sử dụng trên cửa hàng ứng dụng. Hãy truy cập trang của chúng tôi để nhận tín dụng không giới hạn trên cửa hàng ứng dụng ngay hôm nay!
Mánh khoé về đường liên kết
Google dùng các đường liên kết làm một yếu tố để xác định mức độ liên quan của các trang trên trang web. Mọi đường liên kết có ý định thao túng thứ hạng trong kết quả trên Google Tìm kiếm đều có thể bị xem là mánh khoé về đường liên kết. Dạng này bao gồm cả mọi hành vi thao túng các đường liên kết đến trang web của bạn hoặc các đường liên kết bắt nguồn từ trang web của bạn. Sau đây là một số ví dụ về đường liên kết vi phạm:
- Mua hoặc bán đường liên kết cho mục đích xếp hạng. Trong đó có:
- Đổi tiền lấy đường liên kết hoặc bài đăng chứa đường liên kết đó
- Đổi hàng hoá hoặc dịch vụ lấy đường liên kết
- Tặng cho ai đó một sản phẩm để họ viết về sản phẩm đó và chèn thêm một đường liên kết vào bài viết của họ
- Trao đổi đường liên kết quá mức ("Liên kết đến tôi rồi tôi sẽ liên kết đến bạn") hoặc các trang đối tác chỉ nhằm mục đích liên kết chéo
- Dùng chương trình hoặc dịch vụ tự động để tạo đường liên kết đến trang web của bạn
- Đòi hỏi một đường liên kết trong phạm vi Điều khoản dịch vụ, hợp đồng hoặc thoả thuận tương tự mà không cung cấp cho chủ sở hữu nội dung bên thứ ba lựa chọn xác định đường liên kết ra ngoài.
- Quảng cáo dạng văn bản hoặc các đường liên kết dạng văn bản không chặn điểm xếp hạng
- Bài quảng cáo hoặc quảng cáo tự nhiên trong đó người viết nhận thanh toán cho các bài viết chứa đường liên kết chuyển điểm xếp hạng, hoặc đường liên kết có văn bản liên kết được tối ưu hoá trong bài viết, bài đăng của khách, hoặc thông cáo báo chí xuất hiện trên các trang web khác. Ví dụ:
Có rất nhiều loại nhẫn cưới trên thị trường. Nếu muốn tổ chức một đám cưới, thì bạn sẽ phải chọn chiếc nhẫn đẹp nhất. Bạn cũng sẽ phải mua hoa và váy cưới.
- Đường liên kết đến danh bạ chất lượng thấp hoặc trang web đánh dấu trang
- Các đường liên kết chứa từ khoá đa dạng thức, bị ẩn hoặc có chất lượng kém được nhúng trong các tiện ích phân phối trên nhiều trang web
- Các đường liên kết xuất hiện nhiều trong phần chân trang hay mẫu của nhiều trang web
- Bình luận trên diễn đàn tận dụng đường liên kết trong bài đăng hoặc chữ ký, ví dụ:
Cảm ơn, thông tin rất hữu ích!
– Paul
tiệm pizza của paul pizza ở pizza ngon nhất san diego - Tạo nội dung có giá trị thấp chủ yếu nhằm mục đích thao túng các tín hiệu liên kết và xếp hạng
Google hiểu rằng việc mua và bán đường liên kết là điều bình thường trong hoạt động kinh tế trên web cho các mục đích quảng cáo và tài trợ. Việc bạn có những đường liên kết như vậy không vi phạm chính sách của chúng tôi miễn là chúng được xác định bằng một giá trị thuộc tính rel="nofollow"
hoặc rel="sponsored"
cho thẻ <a>
.
Lưu lượng truy cập do máy tạo
Lưu lượng truy cập do máy tạo làm tiêu tốn tài nguyên và ảnh hưởng đến khả năng phục vụ được người dùng theo cách tốt nhất. Sau đây là một số ví dụ về lưu lượng truy cập tự động:
- Gửi cụm từ tìm kiếm tự động cho Google
- Trích xuất kết quả cho các mục đích kiểm tra thứ hạng hoặc cho các loại quyền truy cập tự động khác vào Google Tìm kiếm mà không có sự cho phép rõ ràng
Những hoạt động như vậy vi phạm chính sách của chúng tôi về nội dung rác và Điều khoản dịch vụ của Google.
Phần mềm độc hại và hành vi gây hại
Google kiểm tra các trang web để xem trên đó có lưu trữ phần mềm độc hại hoặc phần mềm không mong muốn nào gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm người dùng hay không.
Phần mềm độc hại là những phần mềm hoặc ứng dụng dành cho thiết bị di động có chủ đích gây hại cho người dùng, máy tính, thiết bị di động hay phần mềm chạy trên máy tính/thiết bị di động đó. Phần mềm độc hại thực hiện những hành vi có hại, chẳng hạn như cài đặt phần mềm khi người dùng chưa đồng ý hay cài đặt những phần mềm có hại như vi-rút. Chủ sở hữu trang web đôi khi không nhận ra rằng các tệp có thể tải xuống của họ bị coi là phần mềm độc hại. Do đó, có thể họ vô tình lưu trữ những tệp nhị phân như vậy.
Phần mềm không mong muốn là một tệp thực thi hoặc ứng dụng di động có hành vi lừa đảo, hành vi không mong muốn hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của người dùng trên máy tính hoặc trình duyệt. Có thể kể đến một số ví dụ như phần mềm chuyển trang chủ hoặc chế độ cài đặt khác của trình duyệt sang một trang chủ hoặc chế độ cài đặt mà bạn không muốn, hoặc các ứng dụng làm rò rỉ thông tin riêng tư và thông tin cá nhân mà không công bố thông tin đúng cách.
Chủ sở hữu trang web phải đảm bảo rằng họ không vi phạm Chính sách đối với phần mềm không mong muốn và phải tuân theo nguyên tắc của chúng tôi.
Chức năng gây hiểu lầm
Chủ sở hữu trang web nên tạo các trang web có nội dung chất lượng cao và chức năng hữu ích để đem lại lợi ích cho người dùng. Tuy nhiên, một số chủ sở hữu trang web có ý định thao túng thứ hạng trong kết quả tìm kiếm. Những người đó làm việc này bằng cách cố ý tạo các trang web có chức năng và dịch vụ gây hiểu lầm để lừa người dùng nghĩ rằng họ có thể truy cập một số nội dung hoặc dịch vụ, nhưng thực tế là họ không thể. Sau đây là một số ví dụ về chức năng gây hiểu lầm:
- Trang web có trình tạo giả mạo tuyên bố rằng mình cung cấp tín dụng trên cửa hàng ứng dụng nhưng không thực sự cung cấp khoản tín dụng đó
- Trang web tuyên bố là họ cung cấp một số chức năng cụ thể (ví dụ: ghép tệp PDF, đồng hồ đếm ngược, dịch vụ từ điển trực tuyến), nhưng cố ý dẫn người dùng đến quảng cáo lừa đảo thay vì cung cấp dịch vụ mà họ tuyên bố
Sử dụng nội dung sai trái trên quy mô lớn
Sử dụng nội dung sai trái trên quy mô lớn là trường hợp nhiều trang được tạo nhằm mục đích chính là thao túng thứ hạng tìm kiếm và không giúp ích cho người dùng. Hành vi sai trái này thường tập trung vào việc tạo một lượng lớn nội dung không rõ nguồn gốc, mang lại ít giá trị hoặc không có giá trị đối với người dùng, bất kể nội dung đó được tạo theo cách nào.
Các ví dụ về hành vi sử dụng nội dung sai trái trên quy mô lớn bao gồm, nhưng không giới hạn ở:
- Sử dụng công cụ AI tạo sinh hoặc các công cụ tương tự để tạo nhiều trang mà không mang lại thêm giá trị cho người dùng
- Trích xuất nguồn cấp dữ liệu, kết quả tìm kiếm hoặc nội dung khác để tạo nhiều trang (kể cả những trang được tạo thông qua các kỹ thuật biến đổi tự động như tạo từ đồng nghĩa, dịch, hoặc các kỹ thuật làm rối mã nguồn khác) mang lại ít giá trị cho người dùng
- Chắp vá hoặc kết hợp nội dung của nhiều trang web mà không mang lại giá trị nào
- Tạo nhiều trang web nhằm che giấu bản chất được điều chỉnh theo tỷ lệ của nội dung
- Tạo nhiều trang có nội dung vô nghĩa hoặc khó hiểu với người đọc nhưng lại chứa từ khoá cho quảng cáo trên Mạng Tìm kiếm
Nếu bạn đang lưu trữ những nội dung như vậy trên trang web của mình, hãy loại bỏ nội dung đó khỏi Tìm kiếm.
Nội dung cóp nhặt
Một số chủ sở hữu trang web lấy nội dung của các trang web khác, thường là uy tín hơn, để đăng lên trang web của họ ("cóp nhặt"). Nội dung cóp nhặt, ngay cả từ các nguồn chất lượng cao, nếu không có thêm dịch vụ hoặc nội dung hữu ích nào khác do trang web của bạn cung cấp thì có thể không tạo ra thêm giá trị nào cho người dùng. Việc này cũng có thể cấu thành hành vi vi phạm bản quyền. Trang web cũng có thể bị giảm hạng nếu chúng tôi nhận được một số lượng đáng kể các yêu cầu xoá hợp lệ vì lý do pháp lý. Sau đây là một số ví dụ về hành vi cóp nhặt không phù hợp:
- Trang web sao chép và đăng lại nội dung của trang web khác mà không cung cấp thêm nội dung nguyên bản hay giá trị nào khác, hoặc thậm chí không trích dẫn nguồn ban đầu
- Trang web sao chép nội dung của trang web khác và chỉ sửa đổi một chút (ví dụ: bằng cách thay thế từ đồng nghĩa hoặc dùng các kỹ thuật tự động) rồi đăng lại nội dung đó
- Các trang web giữ nguyên nội dung lấy từ trang web khác mà không mang lại lợi ích khác biệt nào cho người dùng
- Trang web dành riêng cho việc nhúng hoặc biên dịch nội dung (chẳng hạn như video, hình ảnh hoặc nội dung đa phương tiện khác của trang web khác) mà không cung cấp thêm giá trị đáng kể nào khác cho người dùng
Chuyển hướng lén lút
Chuyển hướng là việc đưa khách truy cập tới một URL khác với URL họ yêu cầu ban đầu. Chuyển hướng lén lút là hành vi chuyển hướng nhằm mục đích xấu bằng cách cho người dùng xem nội dung khác với nội dung mà công cụ tìm kiếm xem được, hoặc cho người dùng xem nội dung ngoài mong muốn và không đáp ứng được nhu cầu ban đầu của họ. Sau đây là một số ví dụ về hành vi chuyển hướng lén lút:
- Cho công cụ tìm kiếm thấy một loại nội dung trong khi chuyển hướng người dùng đến một loại nội dung khác biệt đáng kể
- Cho người dùng trên máy tính thấy một trang bình thường trong khi chuyển hướng người dùng trên thiết bị di động đến một miền không liên quan và khác hoàn toàn
Tuy chuyển hướng lén lút là một loại nội dung rác, nhưng việc chuyển hướng từ URL này sang URL khác vẫn có nhiều lý do chính đáng và chưa hẳn là nội dung rác. Sau đây là một số ví dụ về việc chuyển hướng hợp lệ:
- Di chuyển trang web của bạn sang địa chỉ mới
- Hợp nhất nhiều trang thành một trang
- Chuyển hướng người dùng đến trang nội bộ sau khi họ đăng nhập
Để kiểm tra xem một lệnh chuyển hướng có được coi là lệnh chuyển hướng lén lút hay không, hãy xem xét liệu lệnh chuyển hướng đó có nhằm đánh lừa người dùng hoặc công cụ tìm kiếm hay không. Tìm hiểu thêm về cách sử dụng lệnh chuyển hướng trên trang web một cách thích hợp.
Lạm dụng danh tiếng của trang web
Hành vi lạm dụng danh tiếng của trang web là trường hợp các trang của bên thứ ba được xuất bản mà không có hoặc có rất ít sự giám sát hoặc tham gia của bên thứ nhất. Mục đích của hành vi này là thao túng thứ hạng tìm kiếm bằng cách lợi dụng tín hiệu xếp hạng của trang web của bên thứ nhất. Những trang như vậy của bên thứ ba có thể là các trang được tài trợ, trang quảng cáo, trang của đối tác hoặc trang của bên thứ ba khác thường không liên quan tới mục đích chính của một trang web lưu trữ, hoặc được tạo mà không có sự giám sát chặt chẽ hay sự tham gia của trang web lưu trữ đó, đồng thời đem lại rất ít hoặc không hề đem lại giá trị cho người dùng.
Các ví dụ minh hoạ về hành vi lạm dụng danh tiếng của trang web bao gồm, nhưng không giới hạn ở:
- Trang web giáo dục lưu trữ một trang chứa các bài đánh giá về khoản vay ngắn hạn do một bên thứ ba viết. Bên thứ ba này phân phối trang đó cho các trang web khác trên web, với mục đích chính là thao túng thứ hạng tìm kiếm
- Trang web y tế lưu trữ một trang của bên thứ ba về "sòng bạc tốt nhất" được thiết kế chủ yếu để thao túng thứ hạng tìm kiếm, với ít hoặc không có nội dung liên quan đến trang web y tế
- Một trang web đánh giá phim lưu trữ các trang của bên thứ ba về những chủ đề có thể khiến người dùng bối rối khi nhìn thấy trên trang web đánh giá phim (chẳng hạn như "các cách để mua lượt theo dõi trên trang mạng xã hội", "trang web bói toán hay nhất "", và "dịch vụ viết bài luận tốt nhất"), với mục đích thao túng thứ hạng tìm kiếm
- Một trang web thể thao lưu trữ một trang do bên thứ ba viết về "đánh giá các loại thực phẩm chức năng bổ trợ cho quá trình tập thể dục", ban biên tập của trang web thể thao đó hầu như không can thiệp vào nội dung của trang này và mục đích chính của việc lưu trữ trang này là thao túng trang thứ hạng tìm kiếm
- Một trang web tin tức lưu trữ phiếu giảm giá do một bên thứ ba cung cấp, và phiếu giảm giá này có ít hoặc không có sự giám sát hay tham gia từ trang web lưu trữ đó, cũng như có mục đích chính là thao túng thứ hạng tìm kiếm
Nếu bạn đang lưu trữ các trang vi phạm chính sách này, hãy loại bỏ nội dung của bên thứ ba đó khỏi chỉ mục của Tìm kiếm.
Sau đây là một số ví dụ KHÔNG được xem là hành vi lạm dụng danh tiếng của trang web:
- Trang web dịch vụ chuyển tiền hoặc thông cáo báo chí
- Ấn bản tin tức có phân phối nội dung tin tức từ các ấn bản tin tức khác
- Trang web được thiết kế để cho phép đăng nội dung do người dùng tạo, chẳng hạn như trang web diễn đàn hoặc phần bình luận
- Cột, bài thể hiện quan điểm, bài viết và các sáng tác khác có tính chất biên tập, có mối liên quan chặt chẽ đến trang web lưu trữ hoặc được trang web lưu trữ đánh giá
- Nội dung của bên thứ ba (ví dụ: các trang thuộc loại "quảng cáo" hoặc "quảng cáo tự nhiên") được xuất bản với sự tham gia chặt chẽ của trang web lưu trữ, nhằm mục đích chia sẻ nội dung trực tiếp cho người đọc (chẳng hạn như thông qua chương trình quảng bá trong quá trình xuất bản) thay vì lưu trữ nội dung để thao túng thứ hạng tìm kiếm
- Nhúng các đơn vị quảng cáo của bên thứ ba, hoặc sử dụng đường dẫn tiếp thị liên kết trên toàn bộ một trang bằng cách sử dụng những đường liên kết được xử lý phù hợp
- Phiếu giảm giá xuất hiện trên trang có sự tham gia chặt chẽ của trang web lưu trữ
Trang liên kết sao chép
Trang liên kết sao chép là những trang chứa đường dẫn tiếp thị liên kết cho sản phẩm, trong đó nội dung mô tả và bài đánh giá sản phẩm được sao chép trực tiếp từ người bán ban đầu mà không có nội dung nguyên gốc hay giá trị tăng thêm nào.
Các trang liên kết có thể bị coi là trang liên kết sao chép nếu chúng thuộc một chương trình phân phối nội dung trên một mạng lưới đơn vị liên kết mà không cung cấp thêm giá trị nào. Thường thì những trang web như vậy có vẻ như được tạo hàng loạt hoặc dùng chung mẫu nội dung giống hệt hoặc tương tự nhau. Loại nội dung này lặp lại trong cùng một trang web hoặc trên nhiều miền hoặc ngôn ngữ. Nếu một trang kết quả trên Tìm kiếm trả về nhiều trang web như vậy, tất cả đều có nội dung giống nhau, thì các trang liên kết sao chép có thể gây khó chịu cho người dùng.
Không phải mọi trang web tham gia vào chương trình liên kết đều là trang web liên kết sao chép. Các trang web liên kết đúng cách đem lại giá trị bằng cách đưa ra nội dung hoặc tính năng có ý nghĩa. Có thể kể đến một số ví dụ về trang liên kết đúng cách như: cung cấp thêm thông tin về giá, bài đánh giá nguyên gốc về sản phẩm, thử nghiệm nghiêm ngặt và đánh giá, khám phá sản phẩm hoặc danh mục và so sánh sản phẩm.
Nội dung vi phạm do người dùng tạo
Nội dung rác do người dùng tạo là nội dung rác do người dùng thêm vào một trang web thông qua một kênh dành cho nội dung của người dùng. Thường thì chủ sở hữu trang web không biết về nội dung rác đó. Sau đây là một số ví dụ về nội dung rác do người dùng tạo:
- Tài khoản rác trên dịch vụ lưu trữ mà ai cũng có thể đăng ký
- Bài đăng rác trong các chuỗi thảo luận trên diễn đàn
- Bình luận không liên quan trên blog
- Tệp nội dung rác được tải lên nền tảng lưu trữ tệp đó
Hãy tham khảo một số mẹo ngăn chặn hành vi lợi dụng các phần công khai trên trang web của bạn. Đây là các mẹo của chúng tôi về cách khắc phục các trang web bị xâm nhập cũng như cách phòng tránh bị xâm nhập.
Hành vi khác có thể dẫn đến việc giảm hạng hoặc xoá
Xoá vì lý do pháp lý
如果收到大量涉及特定网站的有效版权内容移除要求,我们会据此降低该网站中其他内容在搜索结果中的排名。这样,如果存在其他侵权内容,用户更可能看到原创内容,而非相应侵权内容。对于涉及诽谤、仿冒商品和法院命令移除的投诉,我们会采用类似的降位衡量因素。对于儿童性虐待内容 (CSAM),我们一经发现即会将其移除,并会降低儿童性虐待内容 (CSAM) 占比非常高的网站中所有内容的排名。
Xoá thông tin cá nhân
Nếu chúng tôi xử lý một lượng lớn yêu cầu xoá thông tin cá nhân liên quan đến một trang web có mưu đồ xoá để trục lợi, thì chúng tôi sẽ giảm hạng cả nội dung khác của trang đó trong kết quả của chúng tôi. Chúng tôi cũng xem xét việc liệu kiểu hành vi đó có đồng thời xảy ra với các trang web khác nữa hay không và nếu có thì giảm hạng cả nội dung trên những trang web đó. Chúng tôi có thể áp dụng các biện pháp giảm hạng tương tự cho những trang web nhận được một số lượng lớn yêu cầu xoá nội dung liên quan đến nội dung doxxing (tra cứu và tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng), hình ảnh phản cảm về cá nhân được tạo hoặc chia sẻ mà không có sự đồng thuận, hoặc nội dung giả mạo mang tính phản cảm không có sự đồng thuận.
Hành vi lách chính sách
Nếu bạn tiếp tục dính líu đến các hành vi nhằm qua mặt chính sách về nội dung rác hoặc chính sách nội dung của Google Tìm kiếm, thì chúng tôi sẽ triển khai những biện pháp thích đáng, có thể bao gồm cả việc hạn chế hoặc không cho phép áp dụng một số tính năng của kết quả tìm kiếm (ví dụ: Tin bài hàng đầu, Khám phá). Hành vi lách chính sách bao gồm nhưng không chỉ gồm:
- Tạo hoặc sử dụng nhiều trang web với ý định tiếp tục vi phạm chính sách của chúng tôi
- Sử dụng các phương pháp khác để tiếp tục phân phối nội dung vi phạm, hoặc dính líu đến hành vi vi phạm chính sách của chúng tôi
Lừa đảo và gian lận
Có nhiều hình thức lừa đảo và gian lận, bao gồm nhưng không chỉ gồm hành vi mạo danh một doanh nghiệp hoặc dịch vụ chính thức thông qua các trang web mạo danh, cố ý cho thấy thông tin sai lệch về một doanh nghiệp hoặc dịch vụ, hoặc thu hút người dùng đến một trang web để lừa đảo. Nhờ các hệ thống tự động, Google tìm cách xác định những trang chứa nội dung lừa đảo hoặc gian lận và ngăn những trang như vậy xuất hiện trong kết quả trên Google Tìm kiếm. Sau đây là một số ví dụ về hành vi lừa đảo và gian lận trên mạng:
- Mạo danh một doanh nghiệp hoặc nhà cung cấp dịch vụ nổi tiếng để lừa người dùng trả tiền cho bên lừa đảo
- Tạo các trang web lừa đảo để giả vờ thay mặt cho một doanh nghiệp hợp pháp cung cấp dịch vụ hỗ trợ chính thức cho khách hàng hoặc cung cấp thông tin liên hệ giả mạo của doanh nghiệp đó