Thứ Tư, ngày 24 tháng 4 năm 2019
Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã khuyến nghị sử dụng dữ liệu có cấu trúc trên các trang web để mang lại trải nghiệm tìm kiếm chi tiết hơn. Khi thêm mã đánh dấu vào nội dung của mình, bạn sẽ giúp công cụ tìm kiếm hiểu được các thành phần của một trang. Khi hệ thống của Google hiểu rõ trang của bạn hơn, Google Tìm kiếm có thể hiển thị nội dung thông qua các tính năng thú vị mà chúng tôi trình bày trong bài đăng này. Nhờ đó, trải nghiệm người dùng được nâng cao và bạn có thể thu hút thêm lưu lượng truy cập.
Chúng tôi đã nỗ lực cung cấp cho bạn các công cụ để hiểu cách trang web của bạn xuất hiện trong kết quả Google Tìm kiếm và liệu có vấn đề nào bạn có thể khắc phục hay không. Để cung cấp thông tin tổng quan hoàn chỉnh về dữ liệu có cấu trúc, chúng tôi quyết định thực hiện một loạt bài viết về kiểu dữ liệu này. Bài đăng này nhằm giới thiệu nhanh và trình bày một số phương pháp hay nhất, còn các bài đăng trong tương lai sẽ tập trung vào cách sử dụng Search Console để đạt được thành công qua dữ liệu có cấu trúc.
Dữ liệu có cấu trúc là gì?
Dữ liệu có cấu trúc là một cách phổ biến để cung cấp thông tin về trang và nội dung trên trang. Bạn nên sử dụng mã trên schema.org để thực hiện việc này. Google hỗ trợ ba định dạng đối với mã đánh dấu trong trang: JSON-LD (nên dùng), Vi dữ liệu và RDFa. Mỗi tính năng tìm kiếm yêu cầu các kiểu dữ liệu có cấu trúc khác nhau – bạn có thể tìm hiểu thêm về các kiểu dữ liệu này trong thư viện tìm kiếm của chúng tôi. Tài liệu của chúng tôi dành cho nhà phát triển cũng cung cấp thêm chi tiết liên quan đến khái niệm cơ bản về dữ liệu có cấu trúc.
Dữ liệu có cấu trúc giúp hệ thống của Google hiểu nội dung của bạn chính xác hơn, nghĩa là người dùng sẽ có trải nghiệm tốt hơn vì họ sẽ nhận được kết quả phù hợp hơn. Nếu bạn triển khai dữ liệu có cấu trúc, các trang của bạn có thể sẽ đủ điều kiện xuất hiện trong giao diện nâng cao trong kết quả tìm kiếm của Google.
Những trang web sử dụng dữ liệu có cấu trúc đã nhận thấy được kết quả khả quan
Trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều nhà phát triển sử dụng dữ liệu có cấu trúc trong hệ sinh thái. Nói chung, kết quả nhiều định dạng giúp người dùng hiểu rõ hơn mối liên quan giữa các trang của bạn và cụm từ tìm kiếm của họ, nhờ đó các trang web sẽ đạt được thành công. Sau đây là một số kết quả được trình bày trong thư viện nghiên cứu điển hình của chúng tôi:
- Eventbrite tận dụng dữ liệu có cấu trúc sự kiện và nhận thấy lưu lượng truy cập qua các công cụ tìm kiếm tăng 100% so với mức tăng trưởng thông thường cùng kỳ năm trước.
- Jobrapido tích hợp trải nghiệm tìm kiếm việc làm trên Google Tìm kiếm và nhận thấy lưu lượng tự nhiên tăng 115%, số người dùng đăng ký mới qua lưu lượng tự nhiên tăng 270% và tỷ lệ thoát của những người truy cập trang việc làm qua Google giảm 15%.
- Rakuten sử dụng trải nghiệm tìm kiếm công thức nấu ăn và nhận thấy lưu lượng truy cập qua các công cụ tìm kiếm tăng 2,7 lần, thời lượng phiên truy cập cũng tăng 1,5 lần.
Làm thế nào để sử dụng dữ liệu có cấu trúc?
Trang web của bạn có thể hưởng lợi từ dữ liệu có cấu trúc theo một số cách. Dưới đây, chúng tôi đưa ra một số ví dụ được nhóm theo loại mục tiêu: tăng mức độ nhận biết thương hiệu, nêu bật nội dung và nêu bật thông tin sản phẩm.
Tăng mức độ nhận biết thương hiệu
Bạn có thể quảng bá thương hiệu của mình nhờ dữ liệu có cấu trúc bằng cách tận dụng các tính năng như Biểu trưng, Doanh nghiệp địa phương và Hộp tìm kiếm đường liên kết của trang web. Ngoài việc thêm dữ liệu có cấu trúc, bạn nên xác minh trang web cho Bảng tri thức và xác nhận quyền sở hữu Trang doanh nghiệp của bạn. Dưới đây là một ví dụ về bảng tri thức chứa Biểu trưng.
Nêu bật nội dung
Nếu bạn xuất bản nội dung trên web, thì có một số tính năng có thể giúp quảng bá nội dung của bạn và thu hút nhiều người dùng hơn, tuỳ thuộc vào ngành của bạn. Ví dụ: Bài viết, Breadcrumb (tập hợp liên kết phân cấp), Sự kiện, Việc làm , Hỏi và đáp, Công thức nấu ăn, Bài đánh giá và các nội dung khác. Dưới đây là một ví dụ cho kết quả nhiều định dạng về công thức nấu ăn.
Nêu bật thông tin sản phẩm
Nếu bán hàng hoá, bạn có thể thêm dữ liệu có cấu trúc sản phẩm vào trang của mình, trong đó bao gồm giá, tình trạng còn hàng và điểm xếp hạng để đánh giá sản phẩm. Dưới đây là cách sản phẩm của bạn có thể xuất hiện khi có cụm từ tìm kiếm liên quan.
Hãy thử trải nghiệm và cho chúng tôi biết ý kiến của bạn
Giờ đây, bạn đã hiểu được tầm quan trọng của dữ liệu có cấu trúc. Hãy thử tham gia lớp học lập trình của chúng tôi để tìm hiểu cách thêm dữ liệu vào các trang của bạn. Hãy theo dõi để tìm hiểu thêm về dữ liệu có cấu trúc. Trong các bài đăng sắp tới, chúng tôi sẽ trình bày cách sử dụng Search Console để phân tích sâu hơn các chiến lược của bạn.
Chúng tôi rất mong được nghe bạn chia sẻ suy nghĩ và câu chuyện về cách dữ liệu có cấu trúc mang lại hiệu quả cho bạn. Hãy gửi phản hồi cho chúng tôi thông qua Twitter hoặc diễn đàn của chúng tôi.